|
Lũ về, như
mùa lũ lớn hiếm thấy trong lịch sử ở vùng Đồng Tháp Mười năm nay, kẻ rong ruổi
đi xuyên qua rốn lũ có cơ hội chia sẻ với bà con những ngày đáng nhớ giữa mùa
nước nổi.

Phải chờ nước
giựt (rút), cá linh mới nhiều trở lại.
Sản vật ngon
mùa lũ
Chậm bước
trong chợ thực phẩm nằm ngay trung tâm của thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), hai sạp
bán cá linh bận rộn. Cá chưa moi ruột nhảy lưng tưng giá 25.000 đồng một ký. Bà
Bảy vừa múa kéo thoăn thoắt tách ruột cá vừa ngó chừng mấy thùng xốp cá linh ướp
đá để gửi về Sài Gòn. Giữa tháng 10, con cá linh đặc sản đã to chừng ngón tay
trỏ, óng ánh khoe vảy trong thau. Khách chợ thường mua chừng 5.000 – 10.000 đồng,
bên tay xách thêm một bọc bông điên điển vàng nghệ, mấy cọng bông súng tím nhạt.
Người bán kẻ mua và người nhìn – có lẽ đang tưởng tượng một tô canh chua hay nồi
lẩu chỉ có trong mùa nước nổi.
Từ thị xã Hồng
Ngự, theo quốc lộ 30 chừng 20 cây số là lên huyện Tân Hồng. Con đường, vừa là
con đê, cong vòng như cánh cung, hai bên nước mấp mé vỗ sóng oàm oạp. Những chuồng
vịt cỏ quây tạm bên lề đường, nửa nước nửa cạn dài bất tận. Phía ngoài khơi, xuồng
giăng lưới, ném chài, chậm rãi trôi ngược xuôi. Thỉnh thoảng lại một tốp dăm ba
chiếc xuồng tụ đầu ven bờ bỏ cá. Cái khung cảnh ấy làm chậm bước chân của dân
rong ruổi. Giữa tháng 10, nước đang đứng, cá linh ít đi chứ không nhiều như hồi
tháng trước. Có lẽ chúng đang mải mê đi đạp nước ở vùng tứ giác Long Xuyên. Một
ngư dân trung niên chậm rãi giải thích điều thắc mắc trên cho hai kẻ tò mò bên
đường: “Phải chờ khi nước giựt (rút) cá linh mới nhiều trở lại”.
Cắn miếng vịt
cỏ luộc chấm mắm gừng ở Tân Hồng giòn cả xương lẫn thịt, ngọt tới chân răng mới
cảm được thế nào là vịt chạy đồng tới thì. Ăn mà nhớ tới vịt – gọi – là – cỏ
bán ở Sài Gòn, nặng cỡ hai ký, lặc lè một bụng mỡ vàng. Dĩa gỏi 30.000 đồng, tô
cháo 3.000 đồng. Chợt thương thằng bạn, lê lết ở Hồng Ngự đến hai đêm mà không
tìm được quán cơm có món cá linh nấu với bông súng và điên điển, trong tủ kiếng
đựng đồ ăn của các tiệm chỉ toàn thịt với cá biển.
Ăn chậm để
tìm cái vị phù sa
Từ thị xã Hồng
Ngự, muốn qua thị xã Tân Châu (An Giang) chỉ dài ngoài chục cây số và phải vượt
sông Tiền. Đứng trước đoạn sông thượng nguồn của đất Việt cuồn cuộn nước, nửa
muốn xuống phà nhưng nửa lại tiếc vùng đất giáp biên với Campuchia ở phía sau
lưng. Thoáng tần ngần rồi vòng xe ngược lại. Thêm 16 cây số nữa của tỉnh lộ 841
là đến cửa khẩu quốc tế Thường Thới thuộc huyện Hồng Ngự. Cách cửa khẩu chừng
dăm cây số, chợ mùa nước nổi họp bên lề đường giao với con kênh hiện ra. Chợ cũng
đủ thứ cá, thứ thì chài lưới ở bên này, thứ thì đánh bắt ở bên kia và đủ cả người
Việt – Miên. Nhưng có lẽ, người ta bu lại đông nhất ở mấy sạp bán rắn và chuột.
Hổ hành, loại lớn gần cầm tay, vảy xanh biếc vì no mồi, kẻ bán rao 240.000 đồng/ký,
nhỏ hơn chỉ ngoài 100.000 đồng. Rẻ hơn nữa là rắn nước, ri voi, bông súng. Chuột
đồng lông ướt mẹp, nằm chen chúc trong lồng. Tất cả “của lạ” này đều từ
Campuchia về. Xứ Việt giờ bắt đầu hiếm, ngay cả chuột.
Mùa này, những
cánh đồng phía trong đê hối hả gặt vụ ba. Đàn trâu hàng trăm con nhởn nhơ lội
sình, nhai rơm trong những đám ruộng vừa gặt. Trâu bây giờ không phải cày bừa,
thỉnh thoảng mới phải kéo vài cộ lúa, chúng đen bóng như những người chăn nhưng
căng tròn, bức tranh thật đẹp hơn nhiều trong Mùa len trâu.
Bữa cơm tối ở
xứ lụa trứ danh Tân Châu chỉ hai món: canh chua cá linh và cá linh kho lạt. Phần
nổi của tô canh chua quá khổ cho hai người ăn cũng chỉ có hai màu tím nhạt của
bông súng và vàng nghệ của bông điên điển. Cạnh nồi cá kho lạt đang sôi cũng là
một dĩa rau hai màu ấy. Hai kẻ đói – thèm mà cố ăn chậm, thật chậm, ăn như sợ sẽ
không còn cơ hội được ăn thứ bông, thứ cá chỉ có trong mùa nước nổi, hoặc cố
tìm cái vị phù sa ngai ngái trong mỗi con cá, đọt bông để không bị mắc lừa “cá
linh” như người phố thị.
Riêng con mắt
lại mơ màng như đang nhìn hai người lính đứng gác ở cửa khẩu biên giới hồi chiều.
Nơi đó có cái cổng chào nhỏ hẹp, lối đi qua lại giữa hai xứ sở được đắp bằng những
bao cát. Ở ngoài xa, phía bên phải cửa khẩu, những chiếc ghe mỏng manh vẫn chầm
chậm qua lại giăng lưới hay chở bông súng, điên điển. Nước ngập trắng, chẳng
còn biết đâu là con sông, đâu là ruộng đồng, đâu là vạch phân giới tuyến.
BÀI VÀ ẢNH:
DOÃN KHỞI – THANH NHÃ
|
|