|
Tác giả: Nguyễn Lệ Ba Ụ là
một chỗ trũng hình tròn do người đào, sâu khoảng 2 mét, đường kính chừng
4 đến 5 mét, xung quanh đấp đất nhô lên thành vồng, thường nằm cạnh bờ sông
rạch, hơn phân nửa nằm trong đất liền, phần còn lại nhô ra ngoài sông đón dòng
nước chảy. Bờ ụ được đấp bằng đất thành vòng tròn, không dày lắm, phía ngoài bỏ
chà, nhánh rồi trồng thêm cây nga, cây nghể để vừa tạo nơi yên tĩnh cho cá vào
ăn mồi, vừa chống xói lở. Phần gie ra sông là cửa ụ rộng chừng 2 mét làm bằng
phên tre đóng thành khung hình chữ nhật, trượt lên xuống dễ dàng trong hai khe
làm bằng hai nửa thân cây cau chẻ đôi, móc ruột như lòng máng. Khung phên làm
cửa ụ được treo thêm một tảng đá lớn và nặng để lúc nào phần đáy phía dưới tấm
phên cũng cắm sâu trong bùn khi người ta buông nó xuống. Cửa ụ còn có một thanh
gỗ nằm ngang phía ngoài, là nơi gác một đầu của cây tầm vông dài hơn chục mét
dùng làm cây “cò” giựt ụ.
Đầu tiên, người xúc ụ chuẩn bị một
cái rổ xúc to đan bằng tre trúc, một cái thau nhôm có sợi dây để buột vào lưng,
bảo đảm người đâu thì thau trôi theo đó trong khi lội quay tròn trong ụ xúc cá.
Cuối cùng là một tô mồi nhỏ gồm cám rang trộn thêm chút tóp mỡ, nếu có. Người
ta sẽ không thể quên mang theo một số bẹ chuối, thân tre khô làm cái phao để
chặn cám rang trong ụ không trôi ra ngoài sông .
Người xúc ụ sẽ dùng sức nâng tấm
phên tre lên. Do nằm kẹt giữa khe của hai nửa thân cau nên công việc cũng không
nặng nhọc lắm. Sau khi tấm phên nâng cao hơn mặt nước vài tấc, người ta lòn cây
tầm vông bên dưới tấm phên ấy, một đầu gác lên thanh gỗ nằm ngang, đầu còn lại
khá dài để người xúc ụ giật mạnh cho tấm phên sập xuống khi thấy cá tôm vào
nhiều. Thường thì công việc kéo tấm phên lên đã được làm từ lần xúc ụ trước để
không làm động nước khiến cá nhát không dám vào ụ. Tiếp theo người xúc ụ sẽ gác
cây phao nằm chắn ngang bên trong ụ rồi đổ cám rang vào giữa. Việc còn lại chỉ
là tìm một bóng cây râm mát ngồi chờ đợi…
Ngày xưa cá tôm nhiều nên chỉ cần
ngồi chờ chừng nửa giờ là bên trong ụ đã leo nheo “mống” cá. Đó là những con cá
lòng tong, cá mại, he… sau khi đánh hơi thấy mùi cám rang thơm phức trôi theo
nước đã tìm vào bên trong ụ, say sưa thưởng thức một bữa ăn ngon. Người xúc ụ
có kinh nghiệm biết khi nào là lúc giựt ụ, tức là rón rén nắm một đầu cây tầm
vông gác trên bờ để giựt mạnh. Cây tầm vông tuột qua khỏi thanh ngang và tấm
liếp cửa ụ… Ầm một tiếng, cửa liếp sụp xuống, toàn bộ cá tôm trong ụ bị nhốt
lại không còn đường thoát thân. Lúc này người xúc ụ sẽ cởi trần nhảy xuống
nước, vừa lội vừa làm cho lớp bùn non dưới đáy ụ dậy lên. Cứ lội quanh tròn
trong ụ như vậy, không lâu sau nước trong ụ đã đục ngầu bùn đất. Lũ cá trắng dở
chịu ngộp do nước đục sẽ nổi đầu lên trước. Chúng bơi theo dòng nước xoáy tròn
do người xúc ụ tạo ra rồi lần lượt chui vào cái rổ xúc to. Từng nhúm, từng nhúm
theo mỗi rổ do người xúc ụ đổ vào, chẳng mấy chốc cái thau nhôm kéo theo bên
người đã nặng dần cá tép, đôi khi còn có
cả tôm càng, cá trê, cá lóc….
Người dân quê Nam bộ vốn dễ dãi, hào
phóng nên lũ trẻ con xúm quanh bờ ụ có dịp “hôi” cá mà không hề bị la rầy. Đây
là việc kiếm ăn, một trò vui của trẻ con thì đúng hơn khi tìm bắt bằng tay
không những con cá, con tôm ngộp nước, ngoi ngóp, phờ râu tấp sát mé bờ. Người
xúc ụ vẫn vui vẻ nhìn lũ trẻ, xem đó là chuyện bình thường ở làng quê Nam bộ.
Khi nhắm chừng đã đủ ăn, người xúc ụ
rủ đám trẻ con hợp sức kéo cửa ụ lên,
cài lại cây tầm vông làm cò để sẵn sàng cho đợt xúc ụ kế tiếp. Mọi người hỉ hả
ra về. Chủ ụ có gần nửa thau cá tôm ăn đôi ba bữa chưa hết; còn trẻ con dù kiếm
chẳng được bao nhiêu tôm cá nhưng niềm vui xem chừng còn nhiều hơn cả người lớn.
Bây giờ ở vùng nông thôn thuộc các
tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre… không còn thấy cái ụ để người
nông dân bắt cá. Có lẽ tôm cá thời buổi này quá ít nên dù có đấp cái ụ để tìm
lại hình ảnh và thú vui ngày xưa thì cũng khó kiếm được đủ cá cho một bữa ăn.
Chỉ tiếc cho những thế hệ con cháu
sau này, chúng sẽ chẳng bao giờ biết và hình dung được một cách bắt cá tôm đơn
giản của ông bà mình ngày xưa, cũng như trải nghiệm cái cảm giác thích thú khi
rình mò chụp những con cá, con tôm nổi đầu sát mép nước đục ngầu….
Tác giả: Nguyễn Lệ Ba
(Để minh họa cho bài viết, tác giả
xin vẽ lại những hình ảnh mình còn nhớ cảnh một buổi xúc ụ, hy vọng gợi lên
được khung cảnh thanh bình, trù phú của làng quê Nam bộ xưa). 
|
|