
Tác
phẩm: Hand in hand
Âm
nhạc: San Bao
Biên
đạo múa: Zhao Limin
Biểu
diễn: Mã Lệ và Trạch Hiếu Vĩ
Cuối
tháng 4-2007, kênh CCTV9 - Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi
bản tin tác phẩm múa Tay trong tay đã thu phục hoàn toàn khán giả của cuộc thi
múa toàn quốc lần 4 do CCTV tổ chức. Không chỉ chinh phục những khán giả của
CCTV hay YouTube, các blog cá nhân từ nhiều nước trên thế giới đang giới thiệu
tác phẩm múa Tay trong tay. Nhiều người đã khóc khi xem họ biểu diễn, kể cả
trên sân khấu và qua màn hình bé chỉ bằng lòng bàn tay của những trang web.
Hai
người trong điệu múa là Trạch Hiếu Vĩ bị cụt mất chân trái từ năm lên bốn tuổi
trong một tai nạn; và Mã Lệ, bị cắt tay phải sau một tai nạn giao thông năm 19
tuổi. Bằng những nỗ lực không thể tin nổi, họ đã sát cánh cùng nhau dựng nên
tác phẩm múa tình cảm, mạnh mẽ và chân thành đến rơi nước mắt.

Trước
năm 2005, Mã Lệ và Trạch Hiếu Vĩ chưa hề quen biết nhau, nhưng đã cùng trải qua
những mất mát. Mã Lệ học múa từ năm 7 tuổi. 18 tuổi, cô tốt nghiệp loại ưu
Trường nghệ thuật Mã Điếm, tỉnh Hà Nam và được nhận vào Đoàn nghệ thuật Thanh
Đảo. Một năm sau cô gặp tai nạn, cánh tay phải bị dập nát, phải cắt bỏ. Bao
nhiêu mơ ước tan thành mây khói. Cô rời đoàn nghệ thuật, suy sụp tinh thần.
Năm 2001,
trước vài ngày diễn ra hội diễn nghệ thuật múa người khuyết tật của tỉnh Hà
Nam, một nhân viên trong hội đã tìm đến Mã Lệ đề nghị cô tham dự hội diễn. Mã
Lệ từ chối, nhưng rồi sau khi được thuyết phục nhiều lần, cô đến thăm hội
khuyết tật và nhận ra nhiều người khuyết tật nặng hơn cô mà vẫn say mê chơi
đùa, luyện tập. Mã Lệ đã đồng ý tham dự hội diễn và giành được giải vàng với
tiết mục múa Cô gái Hoàng Hà, vì vậy, cô được mời tham gia liên hoan múa toàn
quốc ở Bắc Kinh.
Còn Trạch Hiếu
Vĩ sinh ra ở một thành phố hẻo lánh của tỉnh Hà Nam. Năm bốn tuổi, Vĩ theo mấy
người lớn đến bên một chiếc máy nghiền đá, không may bị lọt chân vào khe máy
đúng lúc máy chuyển động. Chân trái của anh bị dập nát và buộc phải cắt bỏ đến
tận đùi. Sau khi tốt nghiệp bậc sơ trung học, Trạch Hiếu Vĩ xin được một chỗ
làm cho một gia đình làm nghề đan lưới đánh cá. Năm 2005 anh trở về Hà Nam và
trở thành vận động viên khuyết tật môn đua xe lăn.
Mã
Lệ gặp Trạch Hiếu Vĩ tình cờ ở một trung tâm phục hồi sức khỏe vào năm 2005. Họ
cảm thấy quí mến nhau. Lúc ấy Mã Lệ đang có ý tưởng tìm người múa cùng với mình
để dự thi múa toàn quốc. Cô hỏi Trạch Hiếu Vỹ có thích múa không. Anh trả lời
thành thật: "Tôi không
múa được vì tôi không tự đi được. Tôi cũng không biết rõ là tôi có thích múa
hay không". Mã Lệ phải gọi điện thuyết phục nhiều lần Trạch
Hiếu Vĩ mới đồng ý.
Cuối năm 2005,
họ bắt tay vào luyện tập. Nhưng vì Hiếu Vĩ chưa từng học múa nên Mã Lệ phải
hướng dẫn anh từ những động tác đầu tiên. Sự luyện tập căng thẳng chỉ với một
chân khiến Vĩ cảm thấy chán nản. Anh đã toan bỏ cuộc nhưng rồi Mã Lệ kiên trì
thuyết phục anh rằng làm việc gì cũng phải có quyết tâm cộng với sự kiên trì
mới đạt kết quả, Vĩ đồng ý trở lại luyện tập. Họ nhờ một biên đạo múa giúp họ
thực hiện ý tưởng. Không có tiền thuê sàn tập, mùa đông họ tập trong nhà, mùa
hè họ ra công viên. Có ngày họ tập luyện từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới nghỉ.

Hết lần này
đến lần khác, Vĩ phải đỡ Mã Lệ trên một chân, khó nhất là động tác vừa tiến lên
phía trước vừa ôm giữ cô vì toàn bộ sức nặng dồn lên chân anh, sau đó, anh phải
thả cô xuống, lo giữ thăng bằng với chiếc nạng chống. Họ làm đi làm lại, vừa
làm vừa điều chỉnh cho đến khi cảm thấy hoàn hảo.
Ngày thi đã
đến. Họ bước ra sân khấu và múa bằng tất cả tâm hồn mình, không hề nghĩ tới
cuộc thi. Tác phẩm Tay trong tay kể lại chính câu chuyện về tình yêu múa của
họ. Hai người gặp nhau, có lúc xung đột tới mức chia xa, rồi quay trở về với
nhau nồng ấm và quyến luyến hơn trước.
Điều đặc biệt
là khi xem họ múa, những khiếm khuyết của cơ thể không còn hiện diện, chỉ còn
tình yêu - sự nâng đỡ che chở trên nền nhạc da diết và mạnh mẽ còn đọng lại
trong lòng khán giả. Tay trong tay đã làm lu mờ tất cả những tiết mục dự thi
khác trong cuộc thi múa toàn quốc.
|