|
 Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng
Nhắc đến miền Nam là nhắc đến những câu hò điệu lý, rất đời thường mộc mạc nhưng đủ để làm say đắm những ai đã được một lần thưởng thức…Thế nên mở đầu bài hát “Trong nỗi nhớ miền Nam”, ca khúc rất thành công của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng, với những âm điệu nhẹ nhàng da diết, nhưng đủ sức lan tỏa thấm sâu vào trái tim của những người con đất Việt, có thể cảm nhận được nỗi nhớ thương mà Bác dành cho miền Nam thân yêu là như thế nào. Dù cho núi có mòn, nước sông có cạn, mặc cho thời gian dài chia cắt thì Bác vẫn luôn nhớ về miền Nam, nhớ về người cha yêu thương dù chưa một lần được thắp nén hương “Vì Bác là Bác Hồ Chí Minh…”. Nhạc
sĩ Nguyễn Hoàng tên thật là Đặng Văn Hoàng, sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang,
nhưng nhạc sĩ đã chọn Đồng Tháp là nơi gắn bó với mình, là mảnh đất thứ hai để
nhạc sĩ tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê của mình đó là âm nhạc. Năm 1968, khi ấy
nhạc sĩ chỉ mới 16 tuổi nhưng ông đã sớm bộc lộ
sở trường của mình, ông mạnh dạn gia nhập vào Đoàn Văn công quân đội
Quân khu 2. Hoạt động của nhạc sĩ trên chiến trường quân khu với tư cách là
nhạc công. Lúc ấy, nhạc sĩ đã biết chơi đàn Mandolin, ông thường sử dụng nó để
đàn cho các tốp ca, hợp ca trong các chương trình văn nghệ của đoàn phục vụ cho
các chiến sĩ tại các chiến trường Mỹ Tho, Bến Tre, Long An,… vì một lẽ “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận và
anh em văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Hồi
ức về cuộc đời hoạt động của mình, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng kể:“…Đến năm 1971, sau
một trận càn quét của quân thù tại chiến trường Campuchia, tôi bị quân Mỹ vây
bắt và trở thành tù binh Cộng sản Việt Nam qua hai trại giam Biên Hòa và Phú
Quốc. Mãi đến năm 1973, sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, tôi được trao trả
tù binh tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị, trở về với đồng chí, đồng đội của mình. Tôi
tiếp tục theo đuổi sở thích của mình nên đã theo học tại Trường âm nhạc Việt
Nam Ô Chợ Dừa – Hà Nội. Không thể kềm nén nỗi nhớ thương quê nhà sau bao năm xa
cách. Năm 1976 tôi xin phép về thăm nhà trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình, vì
họ cứ tưởng rằng tôi đã chết. Cũng năm ấy, tôi lại trở ra miền Bắc để học tiếp”.
Năm
1977, ông công tác tại Đoàn Văn công Tiền Giang, một thời gian sau, nhạc sĩ
được chuyển về Đoàn Văn Công Đồng Tháp làm nhạc công chơi đàn Violon, đội
trưởng đội nhạc, Phó rồi Trưởng Đoàn Văn công Đồng Tháp. Sau này ông được bổ
nhiệm làm Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, rồi Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao
và Du lịch tỉnh Đồng Tháp.
Lý
giải về bút danh của mình nhạc sĩ vui vẻ chia sẻ: “Sở dĩ tôi lấy bút danh
Nguyễn Hoàng cũng có lý do. Tôi nhớ lại lúc bị Mỹ bắt, bọn chúng hỏi cung tên
tuổi của cả gia đình, cha tôi họ Đặng, tôi tất nhiên cũng họ Đặng, nhưng khi
chúng hỏi đến chú tôi, theo quán tính tôi lại khai chú tôi là họ Nguyễn vì tôi
sợ chúng biết chú tôi là Cộng sản, nên chúng đã đánh tôi ngất xỉu…vì thế mà bút
danh Nguyễn Hoàng có từ đó”.
Tác
phẩm đầu tay mà nhạc sĩ sáng tác là các ca khúc viết về mẹ với cả niềm tự hào
của một người con mà nhạc sĩ dành tặng cho mẹ của mình và những người mẹ anh
hùng của dân tộc Việt Nam,
đó là ca khúc “Mẹ tôi”, “Bài ca cho mẹ”. Có lẽ, tuổi thơ của nhạc
sĩ đã gắn liền với chiến tranh, về những mất mát, chứng kiến biết bao sự hy
sinh, sự anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, của dân tộc và một lẽ thường tình
như thế mà nó đã trở thành “máu” trong nhạc sĩ. Vì lẽ đó mà trong suốt 25 năm công
tác và sáng tác của mình, nhạc sĩ chỉ tâm đắc và tập trung sáng tác các khúc về
đề tài: Tình yêu cách mạng, quê hương con người ĐồngTháp, ý chí hào hùng, anh
dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, ngợi ca Đảng và Bác hồ kính
yêu.
Từ
những ca khúc đầu tiên viết về mẹ rất thành công, nhạc sĩ đã cho ra đời các ca
khúc như: “Hành khúc lực lượng vũ trang
Đồng Tháp, Hành khúc tiểu đoàn 502,…” đều đạt giải huy chương vàng trong
Chương trình liên hoan hội diễn khắp khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, ca khúc
đạt giải thưởng cao gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ đó là ca khúc “Trong nỗi nhớ miền Nam” viết về Hồ Chí
Minh – người cha vĩ đại của dân tộc. Ca khúc đã vinh dự nhận được giải thưởng
Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ II – năm 2011.
Tâm
sự về ca khúc này của mình nhạc sĩ cho biết: “Ở Đồng Tháp viết về đề tài Hồ Chí
Minh thì có không ít các nhạc sĩ đã thành công như: NSƯT Thanh Tùng, Phạm
Khiêm, Phạm Đức,… Để viết được thành công thì rất khó, với tôi cơ duyên là Đồng
Tháp đã trở thành quê hương thứ hai của mình, tôi nghĩ rằng ở Đồng Tháp có vô
vàn cái đẹp, cái hay và đặc biệt hơn ở đấy, cách đây 83 năm Cụ Nguyễn Sinh Sắc
– thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chọn mảnh đất Hòa An – Cao Lãnh là nơi an
nghỉ cuối cùng. Và nhân dân ta, đã bền bỉ, kiên cường đấu tranh, bảo vệ phần mộ
của Cụ cho đến ngày hôm nay. Đó là điều vinh dự cho quê hương mình mà không một
nơi nào có được. Từ đó, tôi đã ấp ủ ước muốn viết về Bác, về thân sinh của Bác
và cũng từ đó mà ca khúc đã hoàn thành và đạt giải thưởng cao, tôi rất vui vì
mình có thể đem lại cho quê hương những ca khúc có ý nghĩa, góp phần tô điểm
đậm nét hơn cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để lại cho con cháu đời sau”.
Tuy
đã nghỉ hưu nhưng niềm đam mê sáng tác âm nhạc trong nhạc sĩ vẫn không ngừng
cháy, nhạc sĩ vẫn sáng tác theo nguồn cảm hứng riêng của mình. Và gần đây ca
khúc khá thành công mà nhạc sĩ đã hoàn thành đó là ca khúc “Hát về cô Sáu Ngài” người Cộng sản kiên
trung, người Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của quê hương, cùng với những phẩm chất anh
hùng, trung hậu, đảm đang của người phụ
nữ Đồng Tháp.
Với
những thành công mà nhạc sĩ đã đạt được, hy vọng rằng trong thời gian tới, nhạc
sĩ Nguyễn Hoàng vẫn sẽ tiếp tục sáng tác thêm nhiều ca khúc hay và gặt hái được
nhiều thành công hơn nữa để góp phần làm cho nền âm nhạc cả nước nói chung và
của tỉnh nhà nói riêng ngày càng phát triển hơn nữa.
CẨM TÚ
|
|