|

Năm 1934, ông tốt nghiệp trường
Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam
Bộ. Từ đây, ông đã gắn bó quãng đời của mình với Tây Nam bộ và Sài
Gòn. Sau Cách mạng tháng Tám, rồi toàn quốc kháng chiến, ông bỏ đời sống công
chức, tản cư về Đồng Tháp, Long Xuyên và đi dạy học. Năm 1952 thôi dạy, ông lên
Sài Gòn sinh sống bằng ngòi bút, mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác,
viết báo.
Là
một nhà văn, dịch giả,
nhà ngôn ngữ học,
nhà giáo dục và hoạt động văn hóa, ông đã để lại cho cuộc đời 120 tác phẩm sáng
tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học,
ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế... Năm 1980 ông về lại Long Xuyên và bắt đầu viết
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, đến tháng 9
năm 1980 thì hoàn thành. Đồng thời ông tách những đoạn nói về văn nghiệp ra
riêng, sửa chữa, bổ sung và biên tập lại thành cuốn sách Đời viết văn của tôi. Tác phẩm này được sửa chữa xong vào năm 1981,
sau đó sửa chữa thêm và hoàn chỉnh vào năm 1983.
Ông lâm bệnh
và mất lúc 8 giờ 50 phút ngày 22 tháng 12
năm 1984 tại Bệnh viện An
Bình, Chợ Lớn,Thành phố Hồ
Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu của ông được hỏa thiêu vào
ngày 24 tháng 12 năm
1984 tại đài thiêu Thủ Đức.
Việc hỏa táng
và làm tang lễ, ma chay đơn giản là ý nguyện của Nguyễn Hiến Lê lúc sinh thời.
Trong một bức thư gửi nhà thơ Bàng Bá Lân đề ngày 18 tháng 7 năm 1981 ông từng
viết:
"Thời xưa mong giữ được mộ 100 năm, thời nay tôi
sợ không được vài chục năm. Cho nên tôi tính chết thì hỏa táng, đỡ thắc mắc cho
con cháu ở xa. Và cúng giỗ, tôi cũng bảo dẹp bớt đi ! Không ngờ cái tục lệ
thiêng liêng mấy nghìn năm của mình bây giờ chỉ trong có mấy năm mà thay đổi hẳn.
Ngay cả tâm trạng của mình cũng thay đổi nữa !".
Nguyễn Hiến
Lê ngoài tài năng và nhân cách, ông còn có một hành động đáng cho người đương
thời và hậu thế khâm phục. Đó là việc ông từ chối nhận giải thưởng và các danh
hiệu của chính quyền Sài Gòn trao tặng. Những năm 60, 70 của thế kỷ XX, chính
phủ Sài Gòn đã trân tặng ông (cùng với Giản Chi) Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967) và Giải tuyên dương công trạng (Văn hóa - 1973) với danh hiệu cao quí
đương thời, cùng một ngân phiếu lớn (1triệu đồng tương đương 25 lượng vàng).
Ông đã công khai từ chối với lý do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh”
và bản thân tác giả không dự giải.
Sự nghiệp của ông Nguyễn Hiến Lê, có
thể nói là bắt đầu từ Đồng Tháp Mười. Bởi lẽ, tác phẩm đầu tay của ông là một
cuốn du ký khoa học có tên là Bảy ngày
trong Đồng Tháp Mười. Quyển sách
được viết nhân một chuyến về ông Hà Nội thi lấy bằng kỹ sư thì nhận đuọc đề nghị
của Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Thanh Nghị (Vũ Đình Hòe). Sách viết xong nhưng gởi
ra Hà Nội không được vì chiến tranh, bản thảo bị mất trong Đồng Tháp Mười. Năm
1954 ông viết lại xuất bản trong năm đó và được tái bản nhiều lần.
Nguyễn Hiến Lê kết hôn lần thứ hai với
bà Nguyễn Thị Liệp ở Long Xuyên vào năm 1956. Đây là kết quả của tình bạn bè giữa
hai người từ những năm 1939 khi Nguyễn Hiến Lê mới vào Tây Nam bộ làm việc.
Làm lễ cưới rồi, tôi vẫn ở Sài Gòn điều khiển nhà xuất bản, hai ba tháng lại
về Long Xuyên nghỉ nửa tháng. Nhà ở Long Xuyên có vườn rộng, cây cao bóng mát,
rất hợp cho tôi vì viết lách làm cho trí óc tôi thường căng thẳng, sinh ra mất
ngủ, đau bao tử. (Hồi kýNguyễn Hiến Lê - Chương 23). Cuộc hôn nhân này kèo
dài tới năm 1984 khi ông Lê mất. Theo di nguyện, hài cốt của ông được con cháu
hỏa táng tại đài thiêu Thủ Đức và được bà Nguyễn Thị Liệp mang về nhang khói tại
khu đất nhà nằm trên đường Tôn Đức Thắng - Thành phố Long Xuyên. Di cốt của
Nguyễn Hiến Lê đựng trong một cái tĩn sành và chôn vào tháp bảo đồng trước sân
nhà bà Liệp, nơi sinh thời ông vẫn hay ra đây cuốc đất, trồng hoa trong những
ngày về nghỉ ngơi ở Long Xuyên. Tháp hình lục giác, có 3 tầng tượng trưng cho
tam qui: Phật, Pháp, Tăng. Bên dưới to rộng, bên trên nhỏ lại với nắp là tượng
một bông sen có 3 lớp cánh nở tươi. Tĩn tro có ảnh của ông được đặt ở tầng dưới
cùng, trong một hộc xây hướng vô nhà, có kính che bên ngoài. Sau đó được thay bằng
đá cẩm thạch có in ảnh của ông hình bầu. Có lẽ bà Nguyễn Thị Liệp sợ kính che bị
sẽ làm hư tĩn tro quí của chồng nên mới thay kính bằng đá cho chắc chắn.
Lo hậu sự cho chồng xong, bà Liệp
giao nhà cửa và phần mộ ông lại cho hai người cháu gái trông nom và chùa Quảng
Đức - Long Xuyên tu hành với pháp danh Thích nữ Huệ Đức. Bà là đệ tử của sư ông
Thích Nhựt Phú trụ trì chùa Phước Ân ở rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, Đồng
Tháp. Vì vậy, khi bà Liệp qua đời tại Long Xuyên vào năm 1999, theo di nguyện để
lại, hai người cháu của bà đã xin với hòa thượng Thích Nhựt Phú cho phép được
an táng bà trong khuôn viên chùa Phước Ân. Ngày 28/5al năm Kỷ Mão (1989), an
táng bà Liệp xong thì hai ngày sau, di cốt của ông Nguyễn Hiến Lê được đưa từ
Long Xuyên sang và đặt ngay phía trên phần mộ bà Liệp. Tháp vẫn được xây giống hình
dạng ở Long Xuyên với hoa sen có 3 cánh nở tươi và cẩn tấm bia cũng từ bảo tháp
đồng ở Long Xuyên mang qua. Vậy là, sau 15 năm sinh ly tử biệt hai người lại được
kề cận mãi mãi bên nhau.
Theo lời của cô Út - người phụ nữ có
37 năm làm công quả ở chùa Phước Ân và hàng ngày nhang khói khu nghĩa trang
trong khuôn viên nhà chùa thì từ khi ông Nguyễn Hiến Lê được cải táng ở đây,
năm nào cũng có nhiều đoàn người từ khắp nơi đến viếng mộ. Có người đến do cảm
phục tài năng văn chương của ông. Có người là học trò cũ. Cũng có người là thân
nhân gia đình ông. Thậm chí có những đoàn khách đến chùa, mặc trên người chiếc áo sau lưng có in hình ông. Chỉ riêng từ
hôm Tết tới nay, mới ba tháng mà đã có hàng chục đoàn khách lên đến cả trăm người
đến viếng phần mộ.
Đang trò chuyện với cô Út thì tôi bắt
gặp một đoàn khách từ An Giang qua thắp hương cúng tế phần mộ ông Nguyễn Hiến
Lê. Hỏi chuyện mới hay những người này chẳng phải họ hàng, quen thân gì cả mà tìm
đến đây do kính trọng ông. Bác sĩ Khương Trọng Sửu - nguyên Phó Giám đốc Bệnh
viện Đa khoa An Giang, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế An Giang bộc bạch
tình cảm của mình: "Tôi quý ông Nguyễn Hiến Lê từ trước năm 1975 khi gia
đình mình còn sống ở Sài Gòn. Quý ông là do đọc những tác phẩm của ông thôi. Chớ
mình có được gặp đâu. Sau năm 1975, tôi về công tác ở An Giang. Khi đọc sách
ông, tôi đều thấy ở dòng chữ cuối cùng lúc nào cũng ghi ngày tháng và địa điểm
viết tại Long Xuyên. Dò hỏi mãi mới biết chuyện tình của ông và bà Nguyễn Thị
Liệp. Tình cờ bữa nọ tôi quen được với một người cháu của cô Năm Liệt thì mới
hay tin ông đã qua đời. Thấy tôi quý trọng ông Lê nên người này có tặng tôi mấy
quyển sách còn sót lại trong tủ sách gia đình mình có cả chữ ký tác giả. Có thể
nói rằng, một phần kiến thức của tôi có được hôm nay là nhờ vào những quyển
sách của Nguyễn Hiến Lê. Tôi trọng ông là trọng tài năng và trọng nhân cách sống
giản dị của ông. Nhất là chuyện ông từ chối giải thưởng của tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu". Cùng đi với bác sĩ Khương Trọng Sửu là ông Trang Lâm – một thầy
giáo về hưu ở Mỹ Hòa Hưng (Chơ Mới – An Giang). Ông Lâm kể: “Dì tôi là học trò
ruột của cô Năm Liệt khi đó là Hiệu trưởng trường nữ Long Xuyên. Thấy tôi thích
đọc sách của Nguyễn Hiến Lê và ái mộ ông nên dì tôi xin với cô Năm Liệt cho tôi
đến nhà diện kiến ông Nguyễn Hiến Lê. Đó là một ngôi nhà sàn cổ có ba gian, lợp ngói âm dương. nằm trên đường
Gia Long, sau giải phóng là số 92, đường 26 tháng 3(, hiện nay là đường Tôn Đức
Thắng )- Long Xuyên. Bên phải là vườn hoa có là một căn nhà gạch, khoảng năm
sáu mươi thước vuông. Trong phòng bày biện rất đơn giản. Một cái giường ngủ
không lót chiếu. Một cái bàn thờ mẹ ông kê bằng một tấm ván. Phía trước là chiếc
võng bố mắc trên một cái giá gỗ. Lúc đó tôi chỉ mới 15 tuổi, còn rụt rè khép
nép nên chỉ biết chào hỏi rồi ngồi nghe ông khuyên bảo chuyện học hành. Cũng
chính nhờ vào lần gặp gỡ đó, sau này tôi đã quyết định đi theo con đường dạy học
như ông. Đó là vào khoảng mùa hè năm 1974.
Năm 1983, hay tin ông yếu nhiều, gia
đình cô Năm Liệt chuẩn bị đưa lên Sài Gòn chữa trị, tôi có ghé qua một lần
nhưng chỉ đứng từ xa nhìn ông nằm chớ không có điều kiện trò chuyện. Nhưng dẫu
sau, với tôi đó cũng là một niềm hạnh phúc của cuộc đời mình”.
Nghe chuyện của bác sĩ Khương Trọng
Sửu và thầy giáo Trang Lâm, tôi cảm thấy lòng mình càng quý trọng hơn tài năng,
nhân cách và sức lan tỏa của học giả Nguyễn Hiến Lê. Đã bước qua năm thứ 14 kể
từ ngày di cốt cụ được cải táng về chùa Phước Ân cho đến nay mà tôi và hẳn nhiều
bạn bè văn chương khác ở Đồng Tháp không hề hay biết. Nghĩ lại, mình cảm thấy
thẹn với tiền nhân và với cả chính mình. Cuộc đời ông như một sự sắp đặt kỳ lạ của
tạo hóa. Ông bắt đầu văn nghiệp của mình bằng một quyển sách viết về Đồng Tháp.
Như trong lời tựa quyển sách ông viết: bác
Ba tôi từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn
về làng Tân Thạnh (làng Tân Thạnh lúc đó
thuộc tỉnh Long Xuyên, nay là xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp)
ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật
thám Sài Gòn, rồi lập nghiệp ở đó, nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi
đầu thế kỷ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền
đó; sau đó tôi lại đi đo trong Đồng Tháp trong một thời gian rồi đi kinh lí nhiều
lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của Sở
Thủy lợi, mua được cuốn La Plaine
des Joncs của V. Delahaye, nhờ vậy
tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp. Cuốn sách phải ba chìm bảy nổi theo
thời vận của nước non hồi ấy mới đến được với người đọc cũng như cuộc đời ông
sau khi mất phải đến ba lần thay đổi, học giả Nguyễn Hiến Lê lại trở về an nghỉ
vĩnh hằng trong một ngôi chùa ở Đồng Tháp. Bài viết này như một nén nhang, xin
được cúi đầu tạ lỗi trước vong linh của một hiền nhân quân tử. Dẫu biết có muộn
màng nhưng vẫn còn hơn không.
Tháng
5/2013
H.N
|
|