|
Câu chuyện thời kháng chiến!
Tôi
tham gia cách mạng rất trẻ khi mới 15 tuổi, ở gần ngôi trường này, thuộc ấp 5
xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh. Năm 1966 - 1967, nơi này đã gắn bó chặt chẽ
tôi và bạn bè, sau này là đồng đội tôi. Kỉ niệm sâu sắc với lứa chúng tôi, lúc ấy
những đêm trăng sáng, Đội thiếu nhi xã được các anh, các chú tập cho những bài
hát, điệu múa cách mạng. Rồi khi địch lấn chiếm, nơi đây cũng được bà con đào
những căn hầm bí mật, hầm trú ẩn. Địch kéo về đóng đồn, ta đánh bật chúng đi, rồi
chúng tái chiếm lại 2 lần, bộ đội và du kích tiêu diệt trên 100 tên ngụy. Lúc ấy
tôi là trinh sát kỹ thuật, theo dõi địch. Tôi bị thương 3 lần nhưng nặng nhất
là vào ngày mùng 2/9 đến sáng 3/9/1969, tôi vừa được đưa lên bàn mổ (do ông Sáu
Đạm, Phó Quân y tỉnh Kiến Phong đứng mổ) thì kẻ địch ập tới.
Làm
sao mà chạy cho nổi?! Anh em khiêng tôi vào căn hầm bí mật, phủ lá cây lên. Thật
xui, đợt này lính dùng chỉa xom quanh khu vực, lại trúng hầm tôi. Có lẽ chúng
xom hầm để đảm bảo không có du kích khi chốt quân ở lại. Chúng kêu lên, không
nghe ai trả lời nên thảy lựu đạn vô hầm. Lựu đạn nổ, miểng văng tung tóe. Cả
người tôi dính miểng tùm lum, vết thương mới chồng lên vết thương cũ, máu me đầm
đìa. Tôi lịm đi không còn biết gì nữa. Im ắng một hồi không nghe động tĩnh, tụi
nó xúm lại miệng hầm lôi tôi, thảy lên và đưa về Khám đường Mỹ Tho. Tôi bị miểng
đạn bể hộp sọ, răn nứt xương đỉnh, rồi miểng từ lưng lên phổi, xuyên lên ổ rối
thần kinh tim, may không trúng động mạch chính nhưng tùm lum miểng bấy bá cả
người. Ở Trại giam Mỹ Tho, chúng tập trung cứu chữa, tôi tỉnh lại. Sau đó là cả
chuỗi ngày tôi bị tra tấn dã man. Dù đau đớn từ vết thương, chồng lên những đòn
thù nhưng tôi quyết cắn răng chịu đựng, khai đi khai lại một câu: Tôi mới 14 tuổi (thực ra 17 tuổi nhưng ốm
nhách) là dân công tải đạn bắt buộc phải đi, bị thương du kích kéo vào hầm bí mật
khi các ông tới! Cả tháng trời chúng không tìm được chứng cứ gì. Và có lẽ
do cơ sở ta trong hàng ngũ địch vận động nên tôi được thả, bởi có một lần, tên
điều tra tôi ghé tai nói nhỏ: Cứ khai như
vậy, nhất định không thay đổi lời khai, ở phòng này có máy ghi âm. Rồi anh
ta đập bàn chửi đ.má, đ.mẹ tôi, đấm đá liên hồi vào người tôi bắt khai… Được thả
tôi lại trở về đơn vị là Quân báo tỉnh, chiến đấu qua ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất vào mùa xuân năm 1975.
Người cựu chiến
binh trở về xây dựng kinh tế và làm từ thiện!
Sau
giải phóng, do không có trình độ nên về làm “dân” vào năm 1977, hai bàn tay trắng,
cha mẹ rất nghèo, nhưng ông cũng kịp có được một cái nghề từ người thầy, bác sĩ
Nguyễn Từ Nguyên - Trưởng Quân y tỉnh ở “trong đồng” trao cho trong 3 năm học y
tá, đó là nghề thầy thuốc Nam. 14 loại rắn độc các loại cắn, bệnh nhân đem tới
ông không nhớ đã cứu được bao nhiêu người cả dân và du kích, bộ đội (ngày ấy rắn
rít nhiều vô kể).
Chưa
hết, ông xoa bóp, bó thuốc, chữa trị cho rất nhiều bà con bị gãy xương, trật khớp,
đau nhức mỏi… từ tận miệt Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp ra tới Vũng Tàu,
Bình Phước… “Hữu xạ tự nhiên hương”, bà con truyền tai nhau khi có bệnh thì chở
tới ông và hầu như ai cũng khỏi bệnh (trong đó có tôi có lúc bị thoái hóa đốt sống
cổ, ăn uống tự nhiên bị rớt đũa, rớt muỗng là chuyện bình thường). Và chính thu
nhập từ nghề bốc thuốc Nam, bó thuốc cứu người này, ông dùng một phần để làm từ
thiện. Có những người nghèo, ở xa ông không nhận tiền, nuôi cơm, thậm chí còn
cho ở miễn phí nhiều ngày và có cả những người rất giàu, ông cũng… không nhận
tiền! Lạ vậy. Nhưng bù lại, những người khá giả tìm cách “trả ơn” ủng hộ ông tổng
cộng tới… 5 cây cầu gần cả tỷ đồng, bắc ngang con sông Hội Đồng Tường hay làm lại
con đường nông thôn tráng nhựa beton liên xã quê ông (Mỹ Hội, Mỹ Thọ, Bình Hàng
Trung, Bình Hàng Tây, Mỹ Long, Mỹ Hiệp), hoặc những bao xi măng, những tấm tol,
gạch, khối đá, cây cột … để góp vào xây dựng hai ngôi trường hoàn chỉnh trong
khi kinh phí từ trên cấp xuống không đủ như: cổng trường, sân khấu, sân trường
và đang thi công Thư viện xanh ở hai cơ sở của trường cho học sinh và phụ huynh
có nơi đọc sách, nghỉ ngơi khi đến trường.
Tính trong 5 năm từ 2013 đến nay số tiền ông ủng hộ, làm
từ thiện riêng cá nhân ông khoảng 385 triệu đồng, chưa nói tới giá trị của các
mạnh thường quân ông đã vận động các nơi cho địa phương khó mà tính hết. Ông
làm từ thiện đúng nơi, đúng chỗ, đúng “địa chỉ”, chẳng hạn: Trong những năm trước
khi hệ thống đường giao thông liên xã không “hoành tráng” như ngày nay, đường
sá lầy lội khi trời mưa, hàng loạt học sinh bỏ học giữa chừng, phòng Giáo dục đồng
ý cho xây trường, ông Sáu Châu đã đi vận động tìm địa điểm xây dựng trường. Nơi
trường bây giờ thuộc đất của hai hộ tư nhân (ông Dương Hữu Tiển và ông Ba Dư).
Chính quyền xã tới đặt vấn đề xin mua lại. Dân không bán vì mới mua, dự tính để
làm ruộng sinh sống. Thế là ông tới vận động mua hoặc đề nghị đổi đất của ông
cho trường được xây dựng ở đây.
Không
biết ông “rù rì” kiểu gì mà chủ hai lô đất hơn hai ngàn mét vuông (ngang 32
mét, dài 63 mét), lúc ấy giá trị cũng mấy trăm triệu đồng, nhất quyết không chịu
bán mà lại… ủng hộ luôn, không lấy đồng nào. Ai cũng vui mừng quá đỗi, đặc biệt
chính quyền xã, các thầy cô và các em học sinh. Ông hề hà: Tại nói “chưa tới”
thôi. Vì tương lai con cháu mình ai mà tiếc chi miếng đất, huống chi… Ông Sáu kể:
Nơi đây ông Dương Hữu Tiển đã tham gia diệt Chi khu cảnh sát Kiến Văn, năm 1964
ông bị sa vào tay địch. Chúng đày ông ra Côn Đảo, tra tấn rất dã man, tàn khốc trong
6 năm trời, đến nỗi cả hai chân của ông bị liệt, phải ngồi xe lăn, cuộc sống
còn bộn bề gian nan của người thương binh nặng 1/4. Vậy mà… Thật xúc động với
những tấm lòng cao quý như vậy.
Khi địa phương còn khó khăn, rất nhiều bà con mình còn
đói khổ, ông nói, tôi cố gắng làm kinh tế giỏi để có điều kiện làm từ thiện
giúp đỡ nhiều mảnh đời cơ nhỡ, ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo
điều kiện tốt nhất cho con cháu mình đến trường... Mỗi năm doanh thu trên dưới
10 tỷ đồng từ làm ruộng, 1 trang trại nuôi cá sấu, 5 ao nuôi ba ba, 3 ao nuôi ếch,
1 tiệm tạp hóa, một tiệm thuốc tân dược và 1 tiệm thuốc Đông y, giải quyết việc
làm dài hạn cho 6 lao động.
Ông
là một mạnh thường quân của xã, trong mấy năm qua ông đã ủng hộ xây trường mẫu
giáo, ủng hộ bắc cầu ngang sông gần nhà ông, làm đường nông thôn vài trăm triệu
đồng. Ông còn ủng hộ đội mai táng, giúp gia đình già neo đơn, ủng hộ ấp tổ chức
trung thu cho các cháu hàng năm…, anh Nguyễn Việt Tâm, Chủ tịch xã Tân Hội
Trung cho biết thêm.
Là
một thương binh 2/4, trong người còn nhiều miểng đạn không thể lấy ra được
nhưng còn hơi thở tôi còn làm từ thiện. Đó là câu ông nói đi nói lại cho chúng
tôi nghe. Thật nể phục một cựu chiến binh, thương binh có tấm lòng thiện nguyện
cao quí ở một vùng sâu Đồng Tháp có tên Nguyễn Hồng Châu.
|
|